Dọn lô cốt lòng…
(Br 5, 1-9; Pl 1, 4-6.8-11; Lc 3, 1- 6)
Lược lại những năm trước đây, có một điều trùng hợp hết sức tuyệt vời là trước khi bước vào sống Mùa Vọng, mỗi kitô hữu Sài thành bước vào sống chung với những lô cốt cản đường mặc dù hằng năm luôn được đầu tư với số tiền lớn mấy chục ngàn tỷ để cải tạo hệ thống đường, cống thoát nước… Trên các báo mạng đều lên tiếng: “rào đường thi công, đường càng xuống cấp; bao giờ hết đau khổ”, Tuổi Trẻ 23/10/2018. Người dân vui đùa rằng Sài thành đã giảm ngập lụt từ nhiều điểm chỉ còn… 1 điểm mà thôi. Đứng trước những khó khăn cản trở trong đời sống cơm-áo-gạo-tiền hằng ngày đó lại là lời mời gọi không gì khẩn thiết hơn cho mỗi kitô hữu về tiếng kêu vang vọng trong hoang địa: “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 1, 4). Một lời kêu mời không phải sửa con đường vật lý, bởi vì, ngăn trở vì tường cao luỹ sâu, vì đồi núi chập chùng hiểm trở đã hoá thành xưa cũ, không còn là vấn đề đối với phương tiện đi lại tân tiến hôm nay; ngăn cách vì đường xa thiên vạn lý đã dần dần bị thu ngắn lại, hai người ở cách nhau nửa quả địa cầu có thể gặp nhau sau một vài ngày lên máy bay.
Lời mời gọi hướng tới những ngăn cách vô hình trong lòng người, do lòng hận thù, do ghen tị, do hiểu lầm nhau mới là ngăn cách đáng quan ngại nhất và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử loài người. Những tháng ngày vừa qua đặc biệt giữa tâm chấn đại dịch Covid, hàng rào-dây giăng cùng bảng hiệu đỏ “cách ly y tế” trước cổng là ngăn cách hữu hình cũng như vô hình với nhau.
Những ngăn cách loại này đã khiến cho hai người láng giềng cách một bức vách không thể đến với nhau được, khiến cho hai người bạn cùng chung sở làm không nhìn mặt nhau; thậm chí hai anh em ruột thịt, hai vợ chồng chung sống dưới một mái nhà, ngồi quanh một mâm cơm, nhưng tâm hồn xa nhau vạn dặm. Con người đã xây dựng được nhiều nhịp cầu thật dài và kiên cố, bắc qua những dòng sông rộng mênh mông, để nối kết đôi bờ; nhưng ai có thể xây dựng những nhịp cầu thiêng liêng để kết nối những tâm hồn xa cách?
Mỗi kitô hữu thường luôn tôn kính một vị Thiên Chúa uy linh ngự trên cõi trời cao thẳm mà lãng quên các chi thể của Ngài đang sống kề cận quanh mình. Chính những chi thể của Thiên Chúa quanh ta mới cần ta dọn đường để đón tiếp. Thầy Giêsu luôn nhắc nhở Thầy đang hiện diện trong các anh chị em chung quanh và những gì chúng ta làm cho người khác là làm cho chính Thầy (Mt 25, 40). Cho nên dọn đường Thiên Chúa đến với ta không gì khác hơn là dọn đường cho anh chị em chung quanh có thể đến được với mình. Cụ thể: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3, 5).
Thung lũng hay hố sâu bao giờ cũng tượng trưng cho mọi nguy hiểm, mọi bất trắc với cụ thể là túi tham vô đáy của con người. Vì gian tham, con người có thể thực hiện được mọi tội ác để vơ vét. Tưởng rằng càng vơ vét nhiều, mình càng giàu, càng đầy nhưng ngược lại càng thấy cuộc đời trống vắng. Chĩnh vì thễ hãy lấp đầy những hố thẳm mênh mông, những khát vọng vô biên của con người bằng đời sống đạo đức, bằng nền tảng của công chính, bằng chính Thiên Chúa là chính Chân, Thiện, Mỹ.
Đồi núi tính kiêu ngạo của mỗi người đều cao chót vót dường như mang tính di truyền từ thời nguyên tổ phạm tội bất tuân. Hãy luôn nhớ rằng con người mãi mãi chỉ là tạo vật, không phải là “Chúa”. Cần chân nhận bản thân là con người bất toàn, “nhân vô thập toàn” nên phải ý thức sự bất toàn và giới hạn của mình, hay đúng hơn, “biết mình để đừng tự cao tự đại, để cải quá tự tân”.
Những con đường lòng quanh co sống thiếu ngay thẳngthường được thể hiện qua mưu mô, thủ đoạn, chỉ biết mưu lợi cho mình bất chấp tội phúc và sự thiệt hại cho người khác. Đường quanh co còn là gian dối, tính tự phụ, kiêu căng, thích khoe khoang, coi mình hơn kẻ khác, coi khinh người ta. Vì thế, cần uốn cho ngay từ đời sống sống lương thiện, sống hồn nhiên theo “nhân chi sơ tính bản thiện” như trẻ thơ (Mt 18, 3) mới có thể vào Nước Trời.
Đường lồi lõm đầy tràn những tính xấu như cáu kỉnh, nóng nảy, nhẹ dạ, gây gỗ, nghi kỵ, ghen tương, GATO, cố chấp, vị kỷ, giận hờn, bất hòa. Hãy phang tất cả cho bằng phẳng để không còn những sỏi đá làm cho Ngôi Lời không thể đâm chồi nảy lộc và đâm rễ sâu vào trong tâm hồn.
Thung lũng, núi đồi, khuc quanh co, đường lồi lõm… tất cả đều cần sửa đổi để đón tiếp Thiên Chúa và không là gì khác ngoài việc hoà thuận tiếp nhận mọi người không trừ ai. Dọn đường đón Thiên Chúa không là gì khác ngoài việc xoá bỏ đi những ngăn cách do chính ta dựng lên giữa mình với tha nhân mà chúng ta giáp mặt hằng ngày. Chỉ khi nào giữa ta và mọi người chung quanh không còn phân ly ngăn cách mới là lúc đường đời đã dọn xong và Thiên Chúa mới có thể đến được với mình, Bình An thật sự của Nước Trời được thể hiện ngay trong chính đời sống cá nhân, trong chính trần gian này.
Hãy cùng thắp lên ngọn nến thứ 2: Bình An….
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang