Điệp khúc sửa đường…
(Is 40, 1-5.9-11; 2 Pr 3, 3.9-14; Mc 1, 1-8)
Trong những năm qua, đặc biệt càng về cuối năm, những ai di chuyển trên các tuyến đường của thành phố trong giờ cao điểm, mới biết được sự mệt mỏi thế nào. Bỏ qua các nguyên nhân, những lần tắc đường hay bị cản trở luôn gây ra những hệ quả ngoài ý muốn: có những bệnh nhân mất oan vì xe cứu thương không đến kịp; những buổi hẹn quan trọng bỏ lỡ; các vấn đề làm ăn bị cản trở gây thất thu trầm trọng; sức khỏe cá nhân cũng bị ảnh hưởng; cuộc sống hằng ngày bị đảo lộn… Còn tệ hơn nữa khi bị kẹt xe dưới trời mưa to, đường thì ngập, còn người dầm mưa. Ai sống thành phố đều từng trải qua nhưng không thể tránh thoát và cùng lẩm bẩm hát: Hà Nội mùa này phố cũng như sông, cái rét đầu Đông chân em run ngâm trong nước lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố. Đường cổ ngư xưa ngập tràn nước sông Hồng; Dừng chân trên phố nhưng mà ngỡ trên sông. Toàn thân run bắn khi ngập nước vây quanh. Cố gắng xông lên vít tay ga cũng như không. Sài Gòn ngập quá! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!…
Những con đường xưa nay luôn quan trọng: đường đi nối liên lạc, gắn kết mối tương quan giữa người với người đến gần nhau hơn; đường đi khiến bao người bị nạn được cứu chữa; là một phần không thể thiếu để thông thương kinh tế… Con đường vật lý đã cần, con đường tâm hồn càng cần hơn. Nếu con đường tâm hồn bị hư, tình người cũng hư theo, dù ở gần sát nhau nhưng cả hai không nhìn mặt. Bên cạnh đó tầm quan trọng không kém là con đường thiêng liêng bao trùm tất cả. Con đường đó được Thánh sử Macô trích dẫn lời ngôn sứ Isaia loan báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is, 40, 3; Mc 1, 2).
Lời trích dẫn đó đi sau lời công bố Tin Mừng, εὐαγγελίου/euagélion trong ngôn ngữ Hi Lạp cổ. Một Tin Vui được khởi đầu bằng tên thánh Giêsu, có thể hiểu được: Thầy Giêsu vừa là đối tượng của Tin Mừng được rao giảng, vừa là người rao giảng Tin Mừng. Tên Giêsu, ᾿Ιησοῦ Χριστοῦ/Iésou Kristou, Đấng được xức dầu – Thiên Chúa cứu độ là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải mông lung. Để chuẩn bị cho Người ngự đến là khoảng thời gian đường đời dài nhưng gần nhất là công cuộc chuẩn bị của Gioan Tẩy giả, người được giao cho sứ mạng tiền hô, nghĩa là người đi trước kêu vang lên và dọn đường để đón Đấng Thiên Sai đang đến.
Tiếng hô đó đã vang lên trong tâm hồn sa mạc mỗi người, như những giọt mưa rơi trên mảnh đất khô cằn đầy tham-sân-si, và được lặp lại hằng năm nhắc nhở mỗi kitô hữu mặc lại tâm tình luôn tỉnh thức, sẵn sàng đón Thiên Chúa. Để luôn trong thái độ sẵn sàng, mỗi người được mời gọi dọn dẹp con đường đời, con đường tâm hồn, con đường thiêng liêng của mình: rời bỏ thế giới nào đó đang sống để bước vào hoang địa; từ bỏ mọi tiện nghi, vui chơi, tìm kiếm những việc bề ngoài vỏ bọc giả tạo, tạm bợ để gặp lại bản thân; đối diện với mình trong sự thật trần trụi. Lùi vào hoang địa trong thinh lặng, mỗi người mới nhận ra thực tại của bản thân khi bao mặt nạ được trút bỏ mới có thể nhận ra con đường lòng của mình:
Có con đường tâm hồn nhiều đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác; tồn tại ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ; đường tâm hồn đó còn có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng; còn có những hố sâu chia rẽ, thích gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ; đường đời còn có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú, những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính; đường thiêng liêng còn tồn tại nhiềy khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Thiên Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với cả chính mình; còn hiện diện những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm; đường đời ngập tràn lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn; gồ ghề vì thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân, ưa phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy đang ngăn chặn Đấng Thiên Sai đến với ta. Chính vì thế hãy vào hoang địa lắng nghe tiếng kêu vang Gioan Tẩy Giả mời gọi sửa chữa con đường thiêng liêng : Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng. Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu.
Nguyễn Bá Học, một nhà giáo và nhà văn, từng nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đúng thế, mỗi kitô hữu có đủ can đảm gạt tạm mọi bươn chải, hưởng thụ, tiện nghi để bước vào hoang địa đối diện với sa mạc tâm hồn không, đủ dũng cảm để có thể đối diện với chính mình, đối diện với sự thật trần trụi bản thân không? Hãy sửa đường lại được vang vọng và đang mời gọi câu trả lời….
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang