Sống Đền-Tạ…
(St 2,7-9; Rm 5,12-19; Mt 4, 1-11)
Mỗi năm Phụng vụ, từng kitô hữu đều được mời gọi bước vào hành trình Chay Thánh kéo dài 40 ngày được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro. Mùa Chay nào cũng khởi đầu bằng lời kêu gọi hãy cầu nguyện, làm việc lành bác ái và ăn chay (Mt 6, 1-6.16-18), với những thông điệp sống khác nhau của từng năm. Riêng năm nay với biến cố lớn là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu, đặc biệt các quốc gia đang bị lây nhiễm và trong đó có Việt Nam, lời mời gọi sống Mùa Chay dành cho các kitô hữu còn thống thiết và khẩn cấp hơn nữa. Bởi vì, nhiều bộ mặt, lối sống vô cảm – tiêu cực được tỏ lộ: bưng bít thông tin nghi ngờ lây nhiễm từ những ca đầu tiên dẫn đến bùng phát như ngày nay; ảnh hưởng và gây áp lực đến tổ chức Y tế Thê giới trong việc công bố dịch bệnh; còn ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn tồn tại việc đầu cơ – tích trữ khẩu trang để bán giá cao 200k-500k/hộp khi giá thực chỉ từ trên dưới 30k, dù các cấp thẩm quyền ra tay can thiệp để bình ổn – cụ thể là việc giám đốc bệnh viện đa khoa Gò Vấp đã tiếp tay thu gom ?20k thùng khẩu trang (?50tr cái) bị phát hiện, lý do đưa ra để giải trình là “lấy khẩu trang giùm cho người khác đi làm từ thiện; tôi bị gài bẫy”, vụ việc đang được điều tra [1]; người Trung Quốc nói riêng và Châu Á nói chung không chỉ ở các nước phương Tây mà còn cả trong nước bị phân biệt và kỳ thị…
Những tiêu cực đó mời gọi mỗi kitô hữu cùng bước vào hoang địa với Thầy Giêsu để có thể đối diện với lòng mình, suy nghĩ về sự tàn phá của các trào lưu sống tràn ngập tội lỗi: kiêu ngạo, hà tiện, ích kỷ, nóng giận, các đam mê ham muốn. Lời mời gọi khẩn thiết hơn nữa khi những cám dỗ phạm tội thường xuất hiện dưới hình thức đầy hấp dẫn, có sức thuyết phục cao, cùng với dáng vẻ vô tội chẳng hại ai: “người đàn bà thấy trái cây đó, ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3, 6) [2]. Bên cạnh đó, chiều theo bản năng dục vọng khiến con người dễ dàng buông lỏng bản thân dẫn dắt từ vấp ngã nhỏ đến sai phạm lớn một cách có “quy trình”.
Nói đến cụm từ cám dỗ thì thường mang nghĩa xấu, bao giờ cũng bao hàm ý định dụ dỗ làm điều sai và lôi kéo thuyết phục bước dần vào con đường u tối. Thế nhưng, trong nguyên ngữ Hi Lạp πειράζω/peirazo, cám dỗ-dụ dỗ còn mang nghĩa khác là thử nghiệm, thử thách, thử tài. Không chỉ mang nghĩa tiêu cực nhưng còn tích cực giống như một cuộc kiểm tra, cuộc thi: ai thắng cám dỗ là “thi đậu” để có thể “lấy được bằng cấp – giấy chứng nhận”, ngược lại là “rớt”. Để rồi, những ai vượt qua được thử thách mới có giá trị: Có gió lung mới biết tùng bá cứng, có lửa hừng mới biết vàng cao; hay, vàng thử lửa gian nan thử sức.
Điều kiện tiên quyết vượt qua thử thách-cám dỗ là chân nhận con người thật của mình trong mối tương quan mật thiết với Đấng bị đóng đinh đền tội thay cho ta và nhân loại, trong đời sống cầu nguyện; là quay trở về với Thiên Chúa trong mối tương quan sống chia sẻ với anh chị em [3]. Nói cách khác, để vượt qua cám dỗ – thử thách cùng mọi trào lưu của nền văn hóa sự chết, kitô hữu học bước theo Thầy Giêsu sống cuộc đời Đền Tạ: Đấng hiến tế mạng sống Đền tội và Tạ ơn vì hồng ân tha thứ giao hòa con người với Thiên Chúa. Cũng thế, mỗi kitô hữu dành những hi sinh, lời cầu nguyện và sống chia sẻ để đền bù lại lỗi lầm cá nhân và của người khác, để xoa dịu những xúc phạm đến Thiên Chúa và với nhau, để cất vang lời tạ ơn vì Thiên Chúa luôn nhân lành và chạnh lòng thương xót không bỏ rơi nhân loại. Trong đời sống đền tạ, từng kitô hữu sẽ vượt thắng được cám dỗ, sẽ vượt thắng được những thử thách gian truân.
Những cám dỗ, thử thách đó được chính Thầy Giêsu đã đi bước trước, đã dọn đường cùng những phương thế để chiến thắng “ba thù”. Là cụ thể hóa mọi kiểu cám dỗ xoay quanh ba chiều kích với sức thuyết phục và lý do chính đáng trong trò chơi kích động, khuyến khích một cách tinh vi của “nếu-thì”: “Nếu ông là… hãy…”.
Cám dỗ đầu tiên đụng chạm đến những “nhu cầu chính đáng” hằng ngày từ cái đói thể xác đến cái đói thỏa mãn tinh thần. Là “nhu cầu chính đáng” nhưng đâu mới đạt đến mức “đủ” để dừng lại? Thực tế đã cho thấy rõ “mức đủ” này không có giới hạn, nghèo thì muốn khá lên, giàu thì muốn giàu hơn, với muôn ngàn lý do đưa ra để hợp thức hóa “nhu cầu chính đáng”. Đặc biệt hơn nữa là sống trong vòng xoáy của thực dụng, trong một xã hội duy vật thực tiễn, tương quan với nhau trở thành “có qua, có lại mới toại lòng nhau”. Một lối sống ngấm dần tiệm tiến dẫn đến bao tiêu cực: vô cảm; lợi dụng; ích kỷ. Đồng thời, dẫn đưa con người tới cuộc sống tự tin vào khả năng-sức mạnh bản thân nên đánh mất đời sống đức tin, đánh mất lòng cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa: quên mất là “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8, 3). Tiếp đến, nhóm cám dỗ thứ hai vươn đến bình diện cao hơn chính là đời sống tinh thần: đụng chạm đến những ham muốn ẩn giấu trong sâu thẳm tâm hồn như nguyên tổ bị cám dỗ trong vườn địa đàng: được bằng Thiên Chúa nhưng hơn thế nữa là trở thành người đối đầu với Thiên Chúa. Nhóm cám dỗ thứ hai thường diễn ra nhiều lần trong suốt cuộc đời mỗi người: từ thách thức quyền năng của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện xin-cho ép buộc Ngài thực hiện những gì mình muốn hoặc áp đặt ý muốn riêng cá nhân lên trên Thiên Chúa, từ đó dẫn đến nghi ngờ sự hiện hữu của Ngài và đánh mất niềm tin. Và từ đó, dễ dàng rơi vào nhóm cám dỗ thứ ba để chạy theo tin vào những quyền lực đen tối khác, đạt được những gì mình muốn nơi cuộc sống trần thế. Đỉnh điểm, là thần hóa bản thân, biến mình thành vị thần để được người khác “thần tượng-ca tụng” bản thân; một lối sống thường thấy nơi giới trẻ ngày nay: thần tượng các sao và muốn trở thành như superstar. Thầy Giêsu đã lột trần bộ mặt thật của Satan: chỉ thẳng vào, Satan kia là một tên phản Thiên Chúa.
Hằng ngày, hằng giờ sống, ai cũng gặp thử thách, những cám dỗ như thế. Hãy học và rèn luyện sống Đền-Tạ như Thầy Giêsu để vượt qua…
Tin cùng chuyên mục:
Các bài Suy niệm Lễ Đức Mẹ Mân Côi: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người
Chúa nhật XXVI thường niên năm A: Đường lối của Thiên Chúa và của con người
Ngày 30/09: Thánh Giêrônimô, Linh mục – Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ bảy tuân XXV thường niên: Phải vượt gian khổ mới hy vọng đạt được vinh quang