Lễ vật dâng Hài Nhi…
(Is 60, 1-6; Ep 3, 2-6; Mt 2, 1-12)
Văn sĩ Koergensen người Đan Mạch, đã viết một câu chuyện về vị đạo sĩ thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Hài Đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Bởi vì trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc qúy, khi đến nơi lại trắng tay. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai thương lượng với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng khi đến Bethlehem, ông gặp một người lính do vua Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh và thuyết phục anh từ bỏ hành động gian ác.
Đến khi gặp Chúa Hài Đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Hài nhi Giêsu giang rộng hai tay ôm nồng ấm và tươi cười: “Con đã dâng cho Ta món quà qúy giá nhất: đó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân”.
Vị đạo sĩ thứ tư là thế, nhưng ba vị được Matthêu chính thức tường thuật lại khác. Đề cập đến đạo sĩ/Magi được cho rằng là những nhà khôn ngoan tri thức vùng Babylon phía Đông Palestin. Cũng có ý kiến khác Magi là từ gọi chung chỉ các vị tư tế Ba Tư; thế nhưng trong thời bị Hi Lạp đô hộ, đạo sĩ là tên gọi những người Đông phương hiểu biết khoa chiêm tinh. Dựa theo lễ vật, ta nghĩ là có ba vị khôn ngoan đến gặp Hài nhi Giêsu. Hiểu theo nghĩa đen, họ lên đường tìm kiếm Vua Cứu Đời khi xem thiên văn thấy có ánh sao lạ, mang màu sắc mê tín hay là huyền thoại. Sử gia Do Thái Josephus thời đó viết: “Chúng ta không nên nghĩ rằng câu chuyện các Magi đến nơi máng cỏ chỉ là một huyền thoại dễ thương, nhưng chính đó đã là biến cố đã xảy ra trong thế giới cổ. Khi Chúa Giêsu đến thì thế gian đang tha thiết trông đợi. Loài người thật đang trông chờ Thiên Chúa, sự khát khao Thiên Chúa nung nấu lòng người. Họ đã khám phá ra rằng mình không thể tạo được thời đại hoàng kim nếu không có Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã ngự đến một thế gian đang khắc khoải mong đợi và khi Ngài đến, con người từ những phương trời xa xôi nhất đã tề tựu quanh nôi Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Chúa Giêsu”.
Chính khao khát kiếm tìm gặp gỡ Đấng Tối Cao là động lực thúc đẩy ba vị khôn ngoan khám phá Thiên Chúa nơi thiên nhiên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài; thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?…” (Tv 8, 4ss); theo ánh sao khao khát, ánh sao hi vọng soi chiếu đã lên đường, bước vào cuộc lữ hành của niềm tin. Nhưng, cuộc hành trình cũng không phải là dễ dàng vì có lúc ánh sao biến mất. Nhờ kiên trì vượt qua thử thách, ánh sao đã xuất hiện lại và cuối cùng các vị đã tìm đến nơi.
Trong cuộc lữ hành dõi theo ánh sáng Đức Tin, không phải ai cũng đến nơi và gặp Thiên Chúa dù biết rõ những chỉ dẫn, những dấu hiệu về Người. Đó là những kinh sư, biệt phái, họ hiểu biết Thánh Kinh nhưng không gặp được Ngài, vì họ hiểu biết lý thuyết mà không thực hành: ngồi một chỗ mà không chịu lên đường; chỉ chú ý tới chữ nghĩa sách vở mà không chú ý tới cuộc sống con người; chỉ tìm trong sách vở mà không tìm những dấu chỉ trong đời thường. Đó là Hêrôđê, bạo vương muốn tìm nhưng không gặp được dù ông có binh hùng tướng mạnh trong tay: không gặp được Ngài vì ông tìm để bảo vệ quyền lợi bản thân; ông tìm không phải để thờ lạy nhưng để giết chết; ông tìm không phải để tôn vinh Ngài nhưng để tôn vinh bản thân; ông tìm không phải để làm theo thánh ý Thiên Chúa nhưng bắt Ngài phải theo ý ông. Vì thế, vĩnh viễn ông không thể gặp.
Sự khác biệt là đây, một bên nhìn bằng con mắt thường, một bên nhìn bằng kháo khát tìm kiếm, hi vọng, đức tin. Nhìn bằng con mắt thường thì chỉ thấy những việc thông thường, nhìn bằng khao khát tìm kiếm-đức tin thì nhờ đức tin mà khám phá ra được thực chất và ý nghĩa ở bên trong. Để rồi từ đó như ba hiền sĩ lên đường lữ hành, chuẩn bị lễ vật dâng Thiên Chúa với: vàng, vua của mọi thứ kim loại xứng hợp với lễ vật con người dâng cho vua. Cũng vậy, Hài nhi Giêsu là người “sinh ra để làm vua”, nhưng không phải cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu và phục vụ; nhũ hương như làn khói thơm bay lên trời cao tôn kính thần tính của Đức Giêsu; mộc dược được dùng để ướp thân xác người chết trước khi đem đi mai táng, và như thế, món quà mộc dược như lời tạ ơn Ngôi Hai tự hạ xuống thế làm người, chia sẻ mọi yếu đuối kiếp nhân sinh, để bằng chính cuộc đời Vâng Phục, giải thoát con người mọi ràng buộc vì bất phục tùng.
Là kitô hữu không đồng nghĩa ai cũng gặp và sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa, mỗi người được mời gọi phá vỡ vỏ bọc ích kỷ cá nhân lên đường lữ hành theo ánh sao Đức Tin soi chiếu, để bước đi trọn vẹn đường đời. Trong cuộc lữ hành đó, luôn chuẩn bị cho mình hành trang, lễ vật dâng Thiên Chúa là vàng quý bằng cả cuộc sống xứng hợp chức vụ vương đế, con của Ngài; là nhũ hương của đời sống ngôn sứ, lan tỏa hương thơm chứng nhân kitô hữu; là mộc dược của đời tư tế tận tụy hi sinh, phục vụ, yêu thương …
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô