CN.Chúa Giêsu chịu phép rửa.A Dìm mình xuống…

68 lượt xem Suy Niệm
baptism of christ

CN.Chúa Giêsu chịu phép rửa.A

Dìm mình xuống…
(Is 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17)

Dựa trên lời giảng dạy cũng như gương sống của các bậc vĩ nhân và Thầy Giêsu, có câu chuyện được tường thuật lại:

Một người kia bị rơi xuống hố tối tăm. Anh ta cố gắng leo lên, để ra khỏi cái hố, nhưng lại bị tụt xuống. Tình cờ Đức Khổng Tử đi qua, ngài nhìn xuống hố thấy anh bèn thương hại bảo:
– Thật tội nghiệp cho con, nếu con chịu khó nghe lời ta dạy bảo thì đâu có bị rơi xuống hố như vậy!
Nói rồi ngài lại tiếp tục bước đi.

Sau đó Đức Phật Thích Ca đi tới, ngài cũng nhìn xuống hố thấy anh và nói:
– Thật tội nghiệp con, con hãy tự cố gắng leo lên đi và nếu leo lên được ta sẽ cho đi theo ta.
Nói xong Đức Phật lại tiếp tục bước đi.

Sau cùng Chúa Giêsu đi tới, Ngài nhìn xuống hố rồi nói:
– Thật tội nghiệp cho con.
Rồi Ngài nhảy xuống hố, nâng anh lên và giúp dìu anh trên lưng đưa ra khỏi hố.

Đức Khổng Tử chỉ dạy điều hay lẽ phải; đức Phật Thích Ca đã khám phá ra con đường giải thoát và kêu gọi hãy đi theo ngài, nhưng mỗi người hãy tự sức mình mà đi chứ ngài không giúp đỡ. Còn Thầy Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã sẵn sàng làm người, chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc ta khỏi hố sâu tội lỗi.

Trước thời Đức Kitô, nghi thức phép rửa bằng nước khá thịnh hành tại Ai Cập, Babylon, Ấn Độ và trong một số tôn giáo gốc Hy Lạp. Phép rửa được thực hiện tại bờ sông Nilô, sông An Phát (Euphrate), sông Giang tử (Gange) của Ấn Độ nhằm mục đích thanh tẩy người khỏi những bất xứng về luân lý hoặc về nghi lễ, đôi khi để tăng sinh lực và mang lại tính bất tử. Trong Do Thái giáo, dìm mình trong nước là phương tiện thanh tẩy theo luật dạy đối với người phong hủi (Lv 14, 8), đối với ô uế về giới tính (Lv 15, 16-18) hay các đồ vật phải được rửa trước khi dùng (Lv 11, 32-40). Thời Cựu Ước, người Do Thái cũng làm lễ xá tội bằng cách đặt tay lên đầu con bò hay dê, trút hết tội mình cho nó, rồi sát tế để nó chết thay cho người tội lỗi. (Lê-vi 8, 14-20). Trong Tân Ước, ngoài những bó buộc theo Luật, các thầy thông luật còn đưa ra một số điều buộc khác như rửa tay, rửa chén bát, rảy nước trên những đồ mua ở chợ về… (x. Mc 7,1-5).

Thế nhưng “máu của các con bò, con dê không thể trừ khử được tội lỗi” (Dt 10, 4) nên Thầy Giêsu đã hiến mình làm Chiên mới-Con Chiên của Thiên Chúa, đến mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân. Chính vì thế mà Người trở thành tội nhân, như lời thánh Phaolô viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài.” (II Cr 5, 21).

Hãy chiêm ngắm Thầy Giêsu bên bờ sông Giođan: đứng xếp hàng cùng với dân tộc của Người, hòa mình vào những tội nhân muốn sám hối, chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông.

Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại trở thành “hiện thân của tội lỗi” (II Cr 5, 21), Thầy Giêsu hủy mình ra không đồng hành với những tội nhân khác,cùng liên đới nhân loại luôn sa ngã, xin Gioan làm phép rửa cho mình và cùng với bao tội nhân bày tỏ lòng ăn năn sám hối. Chính vì mang lấy tội lỗi con người và trở thành “hiện thân của tội lỗi”, Thầy đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, như lời thánh Phêrô: “Tội lỗi của chúng ta, Ngài mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Ngài phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2, 21-24). Tuy hoàn toàn vô tội, Thầy vẫn mang lấy tội của từng người nên đã chịu thanh tẩy, chịu khổ nạn và chịu chết vì nhân loại. Còn ta, dường như dù mang nhiều tội lỗi, luôn thích sống sa ngã, lại không chịu nhận lỗi và chịu trách nhiệm về tội của mình, thường đổ lỗi cho người khác hay cho hoàn cảnh, trút trách nhiệm lên đầu người khác.

Hãy chiêm ngắm Thầy bên bờ sông Giođan đồng hành và liên đới với nhân loại: Ðấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng bên tội đồ; Ðấng làm phép Rửa trong Thánh Thần nay lại xin được chịu phép rửa trong nước; một hành vi khiêm hạ tột cùng nhất là khi được dìm mình xuống nước trước mặt mọi người.

Ðồng hành với người khác đòi ta phải đi chậm lại,
liên đới với người khác đòi ta phải nhỏ bé đi.

Ðồng hành đòi ta có chung một tâm tình với người khác,
liên đới thúc đẩy ta chung tay nâng đỡ nhau.

Đồng hành đòi ta cúi mình xuống,
liên đới muốn ta nâng mọi người lên…