CN.Ba Ngôi.C Học lại yêu thương…

72 lượt xem Suy Niệm
catherine of siena holy trinity deep mystery

CN.Ba Ngôi.C

Học lại yêu thương…
(Cv 8, 22-31 ; Rm 5, 1-5 ; Ga 16, 12-15)

Tình yêu luôn là một đề tài muôn thuở, nhưng mỗi thời, mối thế hệ lai thể hiện và sống với tình yêu cách khác nhau. Trước đây là “yêu nhau mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”, hay lãng mạn hơn :

Tình yêu là gì hở nhỏ
Anh không định nghĩa được đâu
Chỉ biết khi yêu ai cũng
Ngố ngố, man man, ấm đầu…

Trong tình yêu như có sức mạnh để con người vượt qua mọi chông gai đến với nhau. Thế nhưng tình yêu đó ngày nay dường như gắn thêm hai từ : thực dụng. Thực dụng theo kiểu còn yêu còn đến với nhau, hết thì đường ai nấy đi. Nói như thế không có nghĩa chưa từng xảy ra nơi những gia đình kitô hữu.

Trong thời gian làm tuyên úy một số cộng đoàn người Việt tại hải ngoại, có những trường hợp xảy ra một cách khó hiểu, khó chấp nhận. Hai gia đình thân thiết đến mức độ coi nhau là anh em cột chèo, con trai con gái đầy đủ và đến tuổi cặp kê. Một biến cố xảy đến làm kinh ngạc bao người, anh chồng bên này bỏ vợ, mua nhà sống với vợ người kia, cũng như chấp nhận nuôi con riêng của họ. Một câu giải thích đơn giản, hết yêu rồi ở chung với nhau chỉ tạo thêm gánh nặng, yêu mà! Tình yêu bị tục hóa, thực dụng hóa như thế làm sao có thể khám phá được tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa ? Và như thế, khi nói Thiên Chúa là Cha yêu thương, phải chăng những người con có thể cảm nhận, hiểu được tình Cha thế nào, khi gia đình ba-mẹ bị đổ vỡ, không tròn hai chữ yêu thương ?

Một tình yêu tinh tuyền của Thiên Chúa là Cha được Thầy Giêsu mạc khải và để các môn đệ cảm nhận nằm ngoài bao kiểu tình cảm gia đình nhân loại. Thiên Chúa như một người cha nhân hậu luôn dõi mắt mong chờ những đứa con hoang đàng trở về. Không kịp nói lời xin lỗi, cha đón nhận lại con trong vòng tay nồng ấm như chưa từng xảy ra điều gì. Thiên Chúa, vị Cha kiên nhẫn, bao dung quy tụ dân riêng, dạy dỗ mọi điều trong suốt chiều dài lịch sử Cựu Ước, luôn chặn lòng thương tha thứ bao vấp ngã, trở mặt, lầm lỡ của dân tuyển chọn. Một vị Cha từ tâm từng bước bày tỏ chương trình yêu thương muốn cứu nhân loại khỏi yếu đuối kiếp người, khỏi gánh nặng hình phạt của tội và mở đường quay trở về chia sẻ hạnh phúc cuộc sống muôn đời. Một công trình vĩ đại được chuẩn bị để nhân loại đón nhận Ngôi Hai đến chia sẻ thân phận làm người, nâng con người lên làm nghĩa tử của Cha.

Và, cũng chính Ngôi Hai, thầy Giêsu vén màn bí mật về Thiên Chúa : “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (Ga 16, 15). Cha là nguồn mạch trào dâng qua Con, và Con luôn là Con yêu dấu vì đón nhận tất cả từ Cha. Tình yêu thương giữa Cha-Con là Thánh Thần. Mỗi ngôi vị luôn sống cho người kia và không ích kỉ dành riêng chút gì cho mình. Ba Ngôi luôn cùng nhau hoạt động trong sự hòa hợp trọn vẹn. Thánh Thần được trao ban cho con người không tự mình mà nói, nhưng chỉ nhắc lại và đào sâu lời thầy Giêsu ; cũng giống như Thầy không tự mình mà nói, nhưng chỉ nói những gì nghe được từ Cha.

Để rồi, Cha vì yêu thương nên gửi Con duy nhất làm người và chia sẻ thân phận yếu hèn nhân loại. Thầy Giêsu, người Con duy nhất đó, luôn thương yêu nhân loại đến độ dám sống và chết cho họ. Chưa hết, Cha và Con đồng lòng trao tặng hồng ân Thánh Thần để luôn nâng đỡ, ủi an con người. Và, cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho nhân loại. Công trình tình yêu Ba Ngôi là đưa cả nhân loại tham dự và chia sẻ cuộc sống hạnh phúc làm nghĩa tử trong người Con.

Mầu nhiệm yêu thương Ba Ngôi là như thế, con người mọi thời đại không thể khám phá cách trọn vẹn vì nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài mọi hiểu biết. Tuy nhiên, có một hình ảnh khác, dù chỉ mang tính tương đối, được dùng để cảm nghiệm sâu sắc hơn Một Chúa nhưng Ba Ngôi Vị : tam giác đều, ba góc bằng nhau như Tam Vị, ba cạnh diễn tả thời gian quá khứ/Cựu Ước-hiện tại/Tân Ước kéo dài đến tương lai/Giáo hội, trong những hoạt động trổi vượt của từng Ngôi Vị Cha-Con và Thánh Thần…

Mỗi kitô hữu được mời gọi hằng ngày khám phá và chia sẻ đời sống yêu thương hiệp nhất của Ba Ngôi dưới ánh sáng soi chiếu của Thánh Thần, để có thể “được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông” (Rm 5, 4). Kitô hữu là người mang trong mình hồng ân thánh thiêng của Ba Ngôi nơi mảnh đời yếu đuối của mình, hãy giữ trọn yêu thương đó và để Ba Ngôi hoạt động nơi bản thân, để rồi từ đó lan tỏa khắp mọi nơi…

Lm. Jos Phạm, SCJ