Tâm bất biến, vạn biến…
(Xh 34, 4-6.8-9; 2 Cr 13, 11-13; Ga 3, 16-18)
Có câu nói “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” (Sống, ?), nghĩa là luôn giữ lòng vững vàng trước bao giông bão luôn thất thường của cuộc đời. Nói lên câu này thì dễ, nhưng để giữ vững và sống trung kiên trước môi trường xã hội đầy biến động, giả dối ngày nay lại rất khó. Khó, vì nếu không để bản thân hòa tan vào sẽ tự cô lập, để rồi từ đó cũng đón nhận những áp lực bài trừ của cái gọi là lợi ích nhóm. Khó, vì nếu sống và giữ vững lòng theo tiếng lương tâm sẽ trở nên một gì đó xa lạ, một tách biệt khi người xung quanh luôn hòa vào những dòng chảy cuộc đời. Và càng khó hơn nữa, khi luôn giữ sống theo chân lý sẽ trở thành điểm nhắm bắn phá của bao người vì họ sợ bị đụng chạm đến những nguồn lợi ích cá nhân.
Nói cách khác, nếu dùng sức cá nhân để giữ vững con đường chân lý muốn sống theo là không thể vì luôn phải toan tính, lo lắng, suy tính với các cung bậc tình cảm yêu-ghét, vui-buồn, sầu khổ, lo âu, sợ hãi… chen lấn. Sống ngay từ nhỏ đã tự đặt mình vào guồng máy quay của xã hội với những mục tiêu và phấn đấu, cố gắng đạt được nên bản thân bị lôi kéo tứ phía đánh mất dần đi chính mình, đánh mất đi sự thanh thản thật sự của cuộc sống. Và như thế, chỉ khi nào quay về nguồn mới tìm lại được giải thoát cho bản thân những vướng bận đó. Tìm về nguồn, chính là về với căn nguyên con người, về với Đấng tạo dựng con người: Thiên Chúa.
Một Thiên Chúa “đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16ss). Một Thiên Chúa nhưng là hiện diện của ba ngôi vị: Cha, Con và Thánh Thần.
Cha đã luôn mãi yêu thương nên can thiệp vào dòng lịch sử nhân loại mù đường lao vào cái chết, đã biến đổi triệt để lịch sử phải chết đó hướng về nguồn Sống. Can thiệp đó được chuẩn bị từ xưa khi Thiên Chúa từng bước mạc khải dung mạo của Ngài: “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Vì yêu thương nên Ngài trao ban quý giá nhất của mình, là tất cả những gì mình có: Con Một, Con duy nhất. Một trao ban phổ quát cho tất cả chứ không dành cho nhóm người nào, một yêu thương phổ quát chứ không dành yêu thương nhiều-yêu thương ít.
Người Con duy nhất đó cũng không dành riêng cho mình bất cứ điều gì, vì yêu thương nên trao ban tất cả và vén mở, mạc khải trọn vẹn Thiên Chúa là ai. Vì Cha trao ban cho con tất cả những gì mình có, nên Con là hình ảnh hoàn hảo của Cha, để rồi chính Thầy Giêsu lên tiếng: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha […] Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14, 9-11). Vì yêu thương, Con dâng lại cho Cha tất cả những gì mình nhận lãnh trong khiêm tốn, tự hạ và vâng phục: vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2, 8). Yêu thương đó được Thầy khẳng định: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Và, Thầy Giêsu đã vì Cha mà hiến mạng sống cho thế gian.
Không dừng lại ở đó, Thầy trao ban Thánh Thần bù đắp mọi yếu đuối, thiếu sót, giới hạn cho nhân loại. Thánh Thần tái tạo, đổi mới toàn diện con người theo hình ảnh Thiên Chúa về Tâm-Trí-Lòng, Và, cũng chính Thánh Thần giúp đời kitô hữu trở nên “tâm bất biến” chia sẻ hạnh phúc yêu thương của cộng đoàn Ba Ngôi.
Tình yêu nơi Ba Ngôi không gói gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, nhưng lan tỏa khắp nơi, ấp ủ cả thế giới. Một tình yêu tuyệt đối đến độ không thể tách rời, không phân biệt lớn-nhỏ, không tồn tại Đấng quyết định và Đấng thi hành ý định. Ba Ngôi hoạt động và sống với nhau nhưng vẫn giữ được căn tính của mình, Ngôi vị riêng biệt, và mỗi Đấng có một sứ mệnh đặc trưng có một không hai.
Trở về nguồn để sống “tâm bất biến” là đây, là nhìn lại tình yêu của bản thân chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Để rồi từ đó thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương, con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại, con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình, con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Để rồi từ đó:
Sống không giận, không hờn không oán trách.
Sống mỉm cười với thử thách chông gai.
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai.
Sống chan hòa với những người chung sống.
Sống là động nhưng lòng luôn bất động.
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương.
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường.
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến…
Tin cùng chuyên mục:
Dự án Nhà Mẹ Lavang-Fatima và đại lễ khánh thành và làm phép tượng đài Đức Mẹ Lavang-Fatima do Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng chủ tế
Ngôn ngữ của tình yêu
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2023
Thứ tư tuần XXVI thường niên, Thánh Phaxicô Assisi: Không có gì quí hơn là Thập Giá của Đức Kitô